Với việc áp dụng bảng giá đất mới, tăng gấp nhiều lần ở nhiều nơi trong giai đoạn 2020 – 2024, nhiều chuyên gia lo ngại cơ hội sở hữu nhà ở của người dân càng xa vời, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Dự kiến bảng giá đất tăng đột biến
Bảng giá đất là tập hợp các mức giá đất cho mỗi loại đất do UBND cấp tỉnh ban hành trên cơ sở phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất. Căn cứ quy định của Luật Đất đai 2013, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ. Theo đó, bảng giá đất của các địa phương hiện nay (giai đoạn 2014 - 2019) sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2019. Vì vậy, nhiều địa phương trên cả nước đã bắt đầu xây dựng bảng giá đất mới cho giai đoạn 2020 – 2024.
Tại tỉnh Nghệ An, Nghị quyết về bảng giá đất trên địa bàn giai đoạn 2020 – 2024 đã được thông qua trong kỳ họp thứ 12 (ngày 12/12/2019) của HĐND tỉnh. Theo đó, từ 1/1/2020, giá các loại đất ở Nghệ An sẽ tăng lên nhiều so với bảng giá đất giai đoạn 2014 - 2019. Đơn cử, giá đất ở tại thành phố Vinh cao nhất là 65 triệu đồng/m2 (tăng 27,5%). Tại các huyện, mức giá cao nhất là 15 triệu đồng/m2 (tăng đến 87,5%).
Tại Bình Dương, dự kiến bảng giá đất mới có mức tăng từ 45 - 95% so với hiện nay. Theo đó, khu vực TP. Thủ Dầu Một sẽ tăng bình quân 50% so với bảng giá hiện hành, thị xã Thuận An và Dĩ An tăng bình quân 95%, thị xã Bến Cát và Tân Uyên tăng bình quân 60%, huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên tăng bình quân 80%...
Tại Hà Nội, UBND thành phố thống nhất chỉ đề xuất giá đất giai đoạn 2020 - 2024 tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 - 2019 thay vì mức 30% như tính toán ban đầu. Theo đó, bảng giá đất ở tăng bình quân 16% đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều, tăng bình quân 12% đối với các tuyến đường 1 chiều.
TP.HCM cũng đang xây dựng bảng giá đất mới, dự kiến điều chỉnh tăng 30-50%.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi Chính phủ ban hành khung giá đất, mức điều chỉnh giá đất ở từng khu vực so với khung giá trước đây sẽ được công bố chi tiết để UBND các tỉnh, thành phố lấy làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.
Bộ cũng giải thích, khung giá chỉ được lấy làm căn cứ để xây dựng bảng giá, còn mức tăng cụ thể bao nhiêu phần trăm so với khung quy định là do địa phương tự quyết định.
Phập phồng lo giá nhà tăng
Việc điều chỉnh tăng khung giá đất giúp người bị thu hồi đất bớt thiệt thòi và làm cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhanh hơn, tạo nguồn thu ngân sách từ đất hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, khung giá đất tăng cao cũng khiến nhiều người lo ngại chi phí đầu vào sản phẩm bất động sản cao hơn, kéo theo giá nhà tăng và giấc mơ mua nhà của họ ngày càng xa vời.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch GP Invest cho rằng "Các dự án bất động sản nhà ở, tiền đất thường chiếm 10 - 14% giá thành. Khi giá đất tăng gấp rưỡi, con số này sẽ lên đến 25% nên giá bán chắc chắn phải tăng. Không những thế, chi phí về đất tăng còn kéo theo tất cả các sản phẩm liên quan đến ngành xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch… cũng sẽ tăng giá. Từ đó đẩy giá thành nhà ở lên cao. Lúc đó, không biết người tiêu dùng có chấp nhận được hay không?”.
Cùng quan điểm này, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM - ông Lê Hoàng Châu cho rằng, tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư, trên dưới 30% giá thành nhà phố, trên dưới 50% giá thành biệt thự. Giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy, khung giá đất, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà đất tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
“Hiện nay căn hộ nhà ở thương mại 2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền khoảng trên dưới 2 tỷ đồng. Với cặp vợ chồng (có 1 con) có tiền lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng (tức 60 - 70 triệu đồng/năm), thì giấc mơ tạo lập nhà ở càng xa vời, nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội”, ông Châu dẫn giải.
Trái ngược với tâm lý lo ngại trên, một số chuyên gia lại dự báo khi giá đất tăng, giá thành của các sản phẩm bất động sản không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Bà Trần Thị Khánh Linh - Trưởng bộ phận Định giá, Savills TP.HCM phân tích: “Nếu theo luật Đất đai 2013, các dự án bất động sản có giá trị trên 30 tỷ đều không căn cứ vào bảng giá đất mà phải sử dụng cơ sở định giá thị trường để xác định nghĩa vụ tài chính. Do đó việc điều chỉnh khung giá đất nhà nước không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của các dự án bất động sản, từ đó giá thành các sản phẩm bất động sản cũng không bị ảnh hưởng nhiều”.
Cũng theo bà Linh, bảng giá đất cho giai đoạn 5 năm là khá dài vì tình hình giá bất động sản thay đổi nhanh chóng. Do đó, có thể có những giai đoạn điều chỉnh nhỏ như 6 tháng hoặc 1 năm để cập nhật biến động của thị trường. Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố cần được phân quyền chủ động hơn khi ban hành bảng giá đất để bảo đảm được nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và phù hợp với thực tế tình hình của từng địa phương.