Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Mẫu hợp đồng cho thuê nhà ở và những điều cần lưu ý

Thực tế, không phải ai trong chúng ta cũng có đủ điều kiện kinh tế để sở hữu căn nhà cho riêng mình. Thay vào đó thuê nhà sẽ là giải pháp phù hợp và phổ biến hơn cả. Cùng tìm hiểu về mẫu hợp đồng cho thuê nhà và những điều cần lưu ý qua bài viết dưới đây.

Một mẫu hợp đồng cho thuê nhà bao gồm những gì?

1. Căn cứ pháp lý mẫu hợp đồng cho thuê nhà:
Khi bạn mua bán nhà đất hay cho thuê nhà thì tất cả các loại hợp đồng, giấy tờ đều phải được xây dựng căn cứ trên quy định của pháp luật. Đây là yếu tố quan trọng nhất, quyết định mẫu hợp đồng cho thuê nhà của bạn có được pháp luật công nhận và bảo vệ hay không.
Đối với mẫu hợp đồng cho thuê nhà phải được căn cứ trên các quy định sau đây:
  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Luật nhà ở năm 2014
  • Luật kinh doanh bất động sản năm 2014
2. Nội dung cơ bản trong mẫu hợp đồng cho thuê nhà:
Mẫu hợp đồng cho thuê nhà là hợp đồng dân sự nên các bên tham gia được quyền tự do thỏa thuận các điều khoản, miễn là chúng được đồng thuận của các bên và không vi phạm pháp luật. Về cơ bản, dù cho mẫu hợp đồng cho thuê nhà của bạn được viết tay hay đánh máy thì chúng cũng phải bao gồm các nội dung chính sau đây:
  • Thông tin các bên tham gia hợp đồng: Bao gồm các thông tin cơ bản của các bên tham gia, thường là người cho thuê và người thuê như họ tên cá nhân, chứng minh nhân dân hoặc mã số thuế, địa chỉ…Nếu có nhiều người thuê thì nên ghi đủ thông tin của tất cả.
  • Chi tiết về nhà cho thuê: Bao gồm các thông tin về địa chỉ, diện tích, tình trạng nhà, kết cấu nhà. Nếu cho thuê căn hộ chung cư, cần ghi rõ phần nào là sở hữu chung, sử dụng chung, phần nào là  sở hữu riêng, diện tích sàn xây dựng căn hộ, mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng thiết kế đã được phê duyệt ban đầu.
  • Thời gian thuê nhà: Thông tin chính xác về thời gian giao nhà, thời gian bắt đầu thuê, thời gian tính tiền thuê nhà. Nên trình bày chính xác và cụ thể ngày tháng, thời hạn, số lượng tháng, năm mà người thuê dự định ở 
  • Giá trị mẫu hợp đồng cho thuê nhà, phương thức thanh toán: Hai bên thỏa thuận với nhau về số tiền thuê nhà, hình thức thanh toán (Theo tháng, quý, nửa năm hoặc 1 năm...), chuyển khoản hay tiền mặt.
  • Tiền đặt cọc cho thuê nhà: Bao gồm số tiền cọc chính xác, thông thường số tiền cọc sẽ là 1 - 2 tháng tiền nhà. 
  • Quyền và nghĩa vụ các bên: Quyền và nghĩa vụ này các bên tự thỏa thuận dựa trên các quy định của pháp luật. Tất cả những người có tên trong hợp đồng cho thuê nhà nhất là với bên thuê, phải có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Cùng đồng thời bị liên đới, cùng chịu trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ của bên thuê với bên cho thuê nhà
  • Thời gian hợp đồng cho thuê nhà có hiệu lực: Cần ghi rõ ràng và cụ thể ngày tháng năm.
  • Điều khoản về đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà: Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà phải đảm bảo tuân theo quy định pháp luật. Bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo trước cho bên còn lại ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu vi phạm mà gây thiệt hại phải chịu bồi thường theo quy định của pháp luật 
  • Các điều khoản, thỏa thuận khác: Các bên tham gia hợp đồng cho thuê nhà có thể tự do thỏa thuận các điều khoản khác, miễn sao chúng không vi phạm các quy định pháp luật như: 
    • Thỏa thuận thời điểm chấm dứt hợp đồng, điều kiện chấm dứt hợp đồng
    • Thỏa thuận về tài sản khác trong nhà ở cho thuê
    • Thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng: Ghi nhận rõ mức phạt vi phạm nhưng lưu ý mức phạt vi phạm hợp đồng không được vượt quá 8% tổng giá trị hợp đồng
    • Thỏa thuận về giải quyết tranh chấp: Ghi nhận rõ cơ quan giải quyết tranh chấp và hình thức giải quyết tranh chấp
    • Thỏa thuận về sửa đổi, thay đổi điều khoản trong hợp đồng cho thuê nhà
    • Thỏa thuận về bồi thường tiền cọc, khấu hao tiền cọc


Mẫu hợp đồng cho thuê nhà ở

Những điều cần lưu ý trong mẫu hợp đồng cho thuê nhà ở

  • Mẫu hợp đồng cho thuê nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản.
  • Mẫu hợp đồng cho thuê nhà ở không cần phải chứng thực, công chứng nhưng nên có để đảm bảo tính pháp lý.
  • Trong mẫu hợp đồng cho thuê nhà nên đính kèm văn bản thể hiện rõ tình trạng nhà ở khi bàn giao cho thuê. Đây là căn cứ để giải quyết tranh chấp phát sinh sau này. Nếu có thể, nên nhờ cơ quan thừa phát lại tiến hành lập vi bằng tình trạng nhà ở cho thuê.
  • Pháp luật hiện hành quy định trong hợp đồng cho thuê nhà ở, đơn vị thanh toán không được phép bằng ngoại tệ. Hợp đồng cho thuê nhà ở này sẽ không được pháp luật công nhận và vô hiệu.
Nếu trong hợp đồng các bên thỏa thuận lấy ngoại hối làm đơn vị thanh toán hoặc đơn giá để quy đổi, nhưng thực tế thanh toán bằng tiền Việt thì giao dịch đó được cho thời gian để sửa đổi Hợp đồng. Nếu không sửa đổi thì hợp đồng cho thuê nhà bị xem là vô hiệu.
  • Điều kiện nhà ở cho thuê:
    • Không thuộc diện bị tranh chấp, khiếu nại.
    • Nhà cho thuê không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    • Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, hoặc thuộc diên bị giải tỏa, đã có thông báo yêu cầu phá dỡ nhà.
    • Nhà ở cho thuê phải bảo đảm chất lượng, an toàn cho bên thuê nhà ở, có đầy đủ hệ thống điện, cấp, thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Cần chú ý khi giao dịch cho thuê nhà với người nước ngoài

Điều kiện để được phép cho thuê nhà ở hoặc đi thuê nhà

  • Bạn phải là chủ sở hữu căn nhà, căn hộ. Nếu được ủy quyền phải có các giấy tờ liên quan chứng minh sự ủy quyền là hợp pháp và được pháp luật công nhận.
  • Nếu người cho thuê, người thuê là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân.
  • Trong trường hợp người cho thuê, người thuê là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân và không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập. Trường hợp là tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định pháp luật.
  • Nếu tổ chức được ủy quyền quản lý nhà ở thì phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.