Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Thông tin mới nhất về dự án cầu Cát Lái nối Quận 2 và huyện Nhơn Trạch


Theo thông tin nhận được, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái nối Quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), thay thế phà Cát Lái hiện hữu. Tam giác vàng (TP.HCM-Đồng Nai-Bà Rịa-Vũng Tàu) 

Dự án cầu Cát Lái: Dự kiến khởi công 2020

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai dự án cầu Cát Lái trên cơ sở thống nhất của UBND tỉnh Đồng Nai với UBND TP.HCM về hình thức đầu tư và phương án triển khai thực hiện các hạng mục công trình. Ngoài ra, Đồng Nai cần phối hợp chặt chẽ với UBND TP.HCM để triển khai dự án theo đúng quy định hiện hành.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự kiến cầu Cát Lái khởi công trong năm 2020, dài 3.782m, phần cầu chính dài 650m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp.
Được biết, hiện tại giao thông quanh khu vực cảng Cát Lái đang rơi vào tình trạng quá tải, lưu lượng xe ra vào cảng hiện đã vượt gần gấp đôi năng lực đáp ứng của các tuyến đường xung quanh. Đây cũng là khu vực có tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây, nối TP.HCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, thực tế tuyến cao tốc này vẫn đang chịu áp lực giao thông rất lớn mà lại chỉ dành cho ô tô lưu thông. Dẫn đến, nhu cầu đi lại, kết nối giữa quận 2, TP.HCM với Đồng Nai cùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của người dân phụ thuộc nhiều vào phà Cát Lái. Điều này khiến cho phà cũng trở nên quá tải, tình trạng kẹt xe cục bộ thường xuyên xảy ra ở cả 2 đầu phà. Thêm vào đó, dự án sân bay quốc tế Long Thành sắp được triển khai trong thời gian tới sẽ tiếp tục làm tăng áp lực giao thông cho khu vực mà chỉ riêng phà Cát Lái là không thể đáp ứng được.


Hai đầu phà Cát Lái luôn rơi vào tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào các dịp cao điểm
Vì lý do đó, việc xây dựng cầu Cát Lái kết nối Đồng Nai – TP.HCM là hết sức cần thiết. Không chỉ giúp giảm tải áp lực giao thông khu vực mà còn giúp năng lực vận tải từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến cả các tỉnh miền Tây tăng mạnh. Đây cũng được xem là giải pháp đáng mong chờ để giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Đông TP.HCM.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai có kiến nghị Chính phủ về hình thức triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai với quận 2, TP.HCM. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, do tổng mức đầu tư của dự án lớn (hơn 7.200 tỷ đồng) nên việc triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) cho toàn bộ dự án sẽ không khả thi, vì vậy cho phép tách dự án ra làm 3 dự án thành phần.
Cụ thể, phần đường dẫn phía TP.HCM dài 623m, quy mô mặt cắt ngang rộng 60m, Chính phủ giao cho TP.HCM thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), phần đường dẫn phía Đồng Nai dài 263m, rộng 56m do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện theo hình thức BT.
Riêng phần cầu chính, Chính phủ giao tỉnh Đồng Nai thực hiện theo hình thức BOT. Trong quá trình nghiên cứu, nếu việc thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ chuyển sang phương án BOT kết hợp BT. Phần đất để thực hiện BT sẽ nghiên cứu sử dụng từ quỹ đất trên địa bàn Đồng Nai.
Dự án xây dựng cầu Cát Lái thay thế cho phà Cát Lái cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải. Cầu Cát Lái bắc qua sông Đồng Nai nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).
Mới đây, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, Sở đã kiến nghị UBND TP.HCM đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện các thủ tục để triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái nhằm kết nối giao thông liên vùng TP.HCM, đồng thời tạo động lực trong việc phát triển đô thị mới Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). (Theo Cafef)

Tỉnh Đồng Nai "sốt ruột"

Trước đó, theo thông tin Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, kết nối giao thông với tỉnh Đồng Nai hướng vào trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch vốn dĩ giữ nguyên là phà như hiện hữu.
Thế nhưng, trước những ý kiến cũng như đề xuất đầu tư của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 và báo cáo của Sở Giao thông vận tải, UBND TP.HCM đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái. Theo đó, tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 4,5km, quy mô mặt cắt ngang đảm bảo 6 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp.
Trong bối cảnh, sân bay quốc tế Long Thành đang chuẩn bị triển khai thì việc xây dựng cầu Cát Lái là hết sức cần thiết
Trong tình trạng "sốt ruột", tỉnh Đồng Nai cũng đã đứng ra chủ động làm việc với TP.HCM để đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng. Cụ thể, Tỉnh Đồng Nai đã đề xuất đứng ra xây dựng và trực tiếp mời gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án cầu Cát Lái 7.200 tỷ đồng nối huyện Nhơn Trạch với quận 2 của TP.HCM.
Theo quan điểm lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng với việc chỉ cách trung tâm quận 1 của TP.HCM khoảng 20km, nhưng hàng loạt dự án bất động sản ở Nhơn Trạch đã trở thành khu đô thị "ma" gần 20 năm qua là điều rất khó hiểu.
Theo đó, tỉnh này đang làm việc với một số nhà đầu tư tiềm năng cùng bàn thảo phương án đầu tư, dự kiến Cầu Cát Lái tiến hành khởi công từ năm 2020. (Theo Cafef)

Nhà đầu tư cẩn trọng với những "đòn thổi giá" bất động sản tại Nhơn Trạch

Cứ mỗi khi có thông tin mới về dự án cầu Cát Lái, thị trường bất động sản huyện Nhơn Trạch lại bắt đầu nóng lên. Các khách hàng, nhà đầu tư bắt đầu tìm đến khu vực này, đa phần trong số họ là dân đầu tư từ TP.HCM và các tỉnh phía Bắc vào săn đất nông nghiệp với diện tích lớn nhằm chờ khi cầu chính thức được khởi công thì sẽ sinh lời rất cao.
Theo ghi nhận, giá đất nền tại Nhơn Trạch đã tăng khoảng 40 - 50% chỉ trong vòng hơn 1 năm qua. Một số chỗ có tình trạng "sốt ảo" nên các nhà đầu tư cần thận trọng khi ra quyết định đầu tư.
Hạ tầng giao thông hiện hữu tại Nhơn Trạch
Các chuyên gia nghiên cứu về bất động sản cho biết, hiện nay hai dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đều có thể kết nối với huyện Nhơn Trạch.
Theo định hướng phát triển về phía Đông của TP.HCM, cầu Cát Lái đóng vai trò rất quan trọng. Khu đô thị Nhơn Trạch đang trong tình trạng đóng băng sẽ có cơ hội hồi phục. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần nhiều hạ tầng khác để Nhơn Trạch khởi sắc thực sự bởi hiện trạng khu vực này còn khá kém.
Nhà đầu tư cần thận trọng trước những đợt sốt đất tại Nhơn Trạch
Các chuyên gia cũng lưu ý cầu Cát Lái được xây dựng sẽ tạo cơn sốt đất trở lại nhưng cũng kéo theo rủi ro về mặt phát triển dân cư đô thị. Lý do là Nhơn Trạch sẽ tập trung chủ yếu nhà đầu tư đất, tỉ lệ người ở thực rất thấp, dẫn đến hệ lụy là khu đô thị chậm phát triển, cỏ mọc, đường đi hư hỏng, dịch vụ công cộng yếu kém.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) trước đó cũng cho rằng cầu Cát Lái nối khu vực quận 2 của TP. HCM với huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường bất động sản ở Nhơn Trạch khởi sắc hơn.
Bởi, nơi đây có vị trí liền kề với TP.HCM và là cửa ngõ giao thương kinh tế vùng TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu. Việc các dự án hạ tầng quan trọng như sân bay quốc tế Long Thành hay cầu Cát Lái được xây dựng sẽ giúp bất động sản Nhơn Trạch khởi sắc.
Tuy nhiên, đây là câu chuyện dài hạn, không phải một sớm một chiều nên nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hơi với thị trường này.